Saturday, 12th October, 2024 2:18

Cuộc diễu binh truyền thống kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức mới diễn ra trên quảng trường Đỏ – Moscow, và được truyền trực tiếp ở rất nhiều kênh. Sức hút của nó vẫn rất lớn, mà minh chứng của nó là việc youtube liên tục nghẽn vì tải không kịp. Và trong số hàng triệu người đang theo dõi ấy, chắc chắn luôn tồn tại 3 nhóm: Ghét Nga, Yêu Nga và Trung Dung.

Hình ảnh sơn pháo nổ giòn giã trong tiếng quốc thiều Nga; hình ảnh lính Nga trai đẹp gái xinh cao ráo, hiên ngang, hãnh diện; hình ảnh Putin đọc diễn văn khai mạc có câu “Vinh quang các chiến sĩ hồng quân” hẳn sẽ khiến nhiều người có nhiều nhận xét khác nhau. Những người yêu nước Nga do có gắn bó với nước Nga sẽ thấy nó đẹp, giàu hoài niệm, hào hùng, nhất là khi đoàn quân nhạc đồng ca hay từng binh chủng hô vang “Hurah”. Những người ghét nước Nga thì chắc chắn sẽ thấy nó… phản cảm khi một quốc gia đang xâm lược một nước láng giềng lại hư trương thanh thế đến mức độ đó, như thể không thèm coi thế giới ra gì. Còn những người trung dung, họ nghĩ sao thì khó đoán. Riêng tôi, tôi nghĩ đơn giản, nếu một quốc gia Liên bang từng hi sinh TÁM TRIỆU mạng chiến sĩ và hàng chục triệu thường dân cho một cuộc đại chiến được xem là dã man và đau thương nhất thế kỷ, một quân đội dũng cảm đã chiếm được toà nhà quốc hội Đức mang tính biểu tượng và cắm lá cờ đỏ của mình trên đó như chỉ dấu cho một kết thúc một chiến cuộc điêu tàn thì quốc gia ấy hoàn toàn có quyền kỷ niệm long trọng ngày chiến thắng vẻ vang này.

NƯỚC NGA: TỪ TIẾNG XÍCH SẮT NGHIẾN TRÊN QUẢNG TRƯỜNG ĐỎBộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải), và Tổng tư lệnh các lực lượng bộ binh Nga, thượng tướng Oleg Salyukov, trong buổi duyệt binh mừng Ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ngày 9-5 (ẢNH: REUTERS)

Tuy nhiên, mỗi người cần phải gạt bỏ mọi thiên kiến chính trị, các yêu ghét vị kỷ, đặc biệt là liên quan đến chiến tranh Ukraine hiện nay, để nhìn vào cuộc diễu binh trên quảng trường Đỏ lần này, cuộc diễu binh không có một nguyên thủ nước ngoài nào được mời tham dự, bằng một con mắt khách quan nhất, chỉ trong nội bộ nước Nga mà thôi, để có một đánh giá thật sự công tâm. Với riêng tôi, cuộc diễu binh với xích sắt nghiến trên quảng trường Đỏ năm nay đọng lại đúng 2 hình ảnh mà mỗi hình ảnh ấy chỉ thoáng qua vài mươi giây mà thôi.
Đầu tiên là hình ảnh tổng thống Putin bước khỏi khán đài dự khán diễu binh khi cuộc diễu binh vừa mới bắt đầu một lúc. Quân nhạc chuyển từ hành khúc hùng ca sang tráng ca xúc động. Putin bước vào khu mộ chiến sĩ vô danh (tôi đoán như vậy vì chưa từng được đặt chân đến nước Nga). Mỗi ngôi mộ ghi tên một thành phố từng trải qua đau thương và thể hiện ý chí sắt đá, dũng cảm thời đệ nhị thế chiến. Trước mỗi lăng mộ nhỏ ấy, Putin đặt một bó hoa đỏ, đứng nghiêm lặng mình tưởng niệm. Camera đã cực kỳ vi tế khi dừng lại lâu hơn một chút ở lăng mộ có tên thành phố cảng Sevastopole. Vâng, Sevastopole. Nó nằm ở bán đảo Crimea, vùng tranh chấp đầy sóng gió từ năm 2014.

Và có cả tên nhiều thành phố khác trên các lăng mộ ấy, đều là những thành phố giờ đang là lãnh thổ của các quốc gia khác vốn trước kia là một nước cộng hoà thuộc Liên bang Soviet. Hàng chục triệu người hi sinh cho chiến thắng này không hoàn toàn 100% là người Nga. Họ có cả người Ukraine, người Belarusia, người Gruzia… Và cho đến tận hôm nay, sau 31 năm Liên bang Soviet tan rã, người Nga vẫn tưởng niệm tất cả những ai đã chết ở các thành phố ấy, những con người mà họ gọi là ANH HÙNG. Trong khi đó, ở một số nước từng là thành viên của Soviet cũ thì sao? Có nơi họ kéo đổ cả những tượng đài vinh danh những người anh hùng đã hi sinh để vệ quốc.

NƯỚC NGA: TỪ TIẾNG XÍCH SẮT NGHIẾN TRÊN QUẢNG TRƯỜNG ĐỎQuân nhân Nga diễu hành trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ ngày 9-5 (ẢNH: REUTERS)

Đó cũng là lý do trong đoàn diễu binh vẫn còn lá quân kỳ của Hồng quân Liên Xô ngày nào. Lá quân kỳ ấy cũng xuất hiện ở các điểm Nga chiếm được Ukraine. Thông điệp của Putin quá tinh tường. Ông ta muốn nhắc cho cả thế giới hiểu rằng quân đội Nga mang danh nghĩa lá cờ kia tới để thoả nguyện những người còn hoài niệm về Soviet cũ. Cách truyền tải thông điệp này hoàn toàn có thể được xem là tiểu xảo, là nặng tính tuyên truyền để làm mờ đi hành vi xâm lược của Nga nhưng nó cho thấy, ở cương vị một nguyên thủ quốc gia, chỉ chịu trách nhiệm với tồn vong của quốc gia ấy, Putin xứng đáng đấy.

Và xứng đáng hơn là cách ông ta thể hiện sự nghiêm cẩn trước các lăng mộ kia như một tấm gương cho nước Nga. Chúng ta có thể căm thù Putin vì tạo ra chiến tranh chết chóc ở Ukraine, có thể khăng khăng tin rằng ông ta là đồ tể hay ma quỷ gì đi nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng ông ta (dù đóng kịch đi nữa cũng được) cũng đã thể hiện một hình ảnh tiêu biểu đủ sức cho người Nga phải kính nể. Nếu một nguyên thủ không biết ơn những người đã hi sinh cho nền độc lập thì làm sao ông ta kêu gọi được công dân của mình bảo vệ nền độc lập ấy. Đó là điều nhiều nguyên thủ quốc gia khác không làm nổi. Ví dụ như Boris Johnson chẳng hạn. Khi ông ta yêu cầu cả nước Anh ở nhà, không tụ tập nhằm chống dịch thì ông ta lại quẩy ở chính dinh thủ tướng trong một bữa tiệc có trên 20 khách mời.

NƯỚC NGA: TỪ TIẾNG XÍCH SẮT NGHIẾN TRÊN QUẢNG TRƯỜNG ĐỎTổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở trung tâm Matxcơva ngày 9-5 (ẢNH: REUTERS)

Hình ảnh thứ hai tôi bị thu hút chính là sự trân trọng mà chính quyền Nga dành cho Thượng phụ thành Moscow, đức cha Kirill. Sự trang trọng dành cho Kirill trong buổi lễ này có lẽ chỉ kém sự trang trọng dành cho Putin mà thôi. Điều đó cho thấy một hình ảnh nước Nga rất rõ ràng: Có đức tin tinh thần, có sức mạnh quân sự, kinh tế, có niềm tự hào với quá khứ của nó và có cả sự tự tôn của một dân tộc biết chắc rằng kẻ thù có vùi dập họ cách nào thì họ vẫn trỗi dậy.

Putin bị Phương Tây coi là kẻ thù của dân chủ, là kẻ độc tài, là sa hoàng, là phát xít. Nhưng chỉ có người Nga và nước Nga mới hiểu họ cần một vị tổng thống như thế nào. Ở quảng trường Đỏ hôm nay, Putin đã chứng tỏ ông ta là một tổng thống mà người Nga cần. Còn bước ra ngoài phạm vi của ngày 09/05/2022 này thì tôi xin miễn bàn. Đó lại là một câu chuyện khác, và rất dài.

NGUỒN: HÀ QUANG MINH