Saturday, 12th October, 2024 8:17

SỰ TRƠ TRẼN CỦA LỜI XUYÊN TẠC "BỎ TIẾNG ANH ĐỂ HỌC TIẾNG TRUNG"

Những thông tin trên mạng xã hội cho rằng Bộ chính thức phê duyệt sách giáo khoa môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 để “bỏ tiếng Anh bắt học sinh học tiếng Trung” là thông tin xuyên tạc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi sai phạm trên theo đúng quy định pháp luật.

Trên mạng xã hội xuất hiện một số nội dung cho rằng việc ban hành Quyết định phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhằm “bỏ môn tiếng Anh, bắt học sinh học tiếng Trung”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là những thông tin xuyên tạc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 1/12/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4119/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

“Đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định và cho biết thêm, năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ đã phê duyệt sách giáo khoa tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Năm 2023, đợt 1 sẽ phê duyệt các sách giáo khoa của lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4. Dự kiến, trong tháng 12/2023, tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.

Tuy nhiên, sau khi Quyết định trên được ban hành, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin xuyên tạc, bình luận tiêu cực, lệch lạc về nội dung Quyết định.

Theo Bộ, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nỗ lực dạy và học môn Ngoại ngữ trong các trường phổ thông và gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi sai phạm trên theo đúng quy định pháp luật.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếng Trung chỉ là một trong những môn ngoại ngữ để học sinh lựa chọn, chứ không phải là môn ngoại ngữ bắt buộc. Học sinh có thể lựa chọn học tiếng Trung hoặc các ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Nga, tùy theo sở thích và nhu cầu của bản thân.

Việc đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy ở bậc phổ thông là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, với dân số đông nhất thế giới. Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc học tiếng Trung sẽ giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học tập, làm việc và trao đổi kinh tế với người Trung Quốc, từ đó mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.

Những luận điệu cho rằng đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy là “Hán nô”, “đánh mất bản sắc dân tộc”,”xây lộ trình bán nước”, “bị Hán hóa”… là hoàn toàn thiếu cơ sở và phi lý.

Lịch sử chứng minh rằng dù trải qua 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, người Việt vẫn không bị đồng hóa. Điều này cho thấy bản sắc dân tộc Việt Nam là vô cùng vững chắc, không thể bị lung lay bởi bất kỳ thế lực nào.

Hơn nữa, việc biết tiếng Trung còn giúp tăng cường nắm bắt và đấu tranh trong lĩnh vực thông tin, an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, việc nắm vững tiếng Trung là một lợi thế quan trọng để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Như vậy, việc đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy ở bậc phổ thông là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Các ý kiến phản đối việc đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy là hoàn toàn thiếu cơ sở và phi lý.

NGUỒN: CÁNH CÒ